Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2009

Xóm Hội Họa giữa lòng Hà Nội






Thứ năm, 07 Tháng sáu 2007, 15:50 GMT+7
Xom hoi hoa giua long Ha Noi

Tags: Hà Nội, Trần Phi Trường, Hồng Quang, Bắc Cầu, Làng Bắc Cầu, hội họa, không gian, làm việc, họa sĩ, Sông Đuống, đam mê, sỹ, nơi, người, sống

Làng Bắc Cầu nằm giữa hai dòng sông Hồng, sông Đuống thơ mộng đang trở thành nơi hội tụ của những tâm hồn đam mê hội họa. Hiện đã có gần 20 họa sỹ tìm về sinh sống và làm việc tại đây.

Mảnh đất có hình ngòi bút

Mảnh đất mà chúng tôi muốn nói đến ấy chính là làng Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Chỉ cách cầu Long Biên 3 km nhưng nơi đây như hoàn toàn là một thế giới khác, một không gian khác.

Bước vào đầu làng là showroom và studio của họa sỹ Trần Phi Trường. Ông sinh năm 1953, hiện là giảng viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chuyên về tranh sơn mài. Ông cũng từng đoạt hàng loạt giải thưởng như: Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2003, Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam 2004…
Xom hoi hoa giua long Ha Noi

Họa sĩ Trần Phi Trường trong showroom.

Cảm hứng chủ đạo trong các tác phẩm của Trần Phi Trường thường là những con người bình dị trong đời sống thường nhật như cảnh hội làng, một phố cổ Hà Nội lặng lẽ, những cô gái trong đêm trăng, một làng quê yên bình với những mái nhà, con đò, dòng sông. Tất cả đều toát lên một cảm giác yên bình, thanh thản.

Họa sĩ bảo: “Tôi đã từng đi rất nhiều nơi tại Hà Nội để tìm một chốn “nương thân”, để mình có thể yên tĩnh sáng tác nhưng sau bao năm chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, bây giờ mới tìm được một không gian sống mà mình cảm thấy tâm đắc.

Mặc dù chỉ bên kia sông thôi là trung tâm Hà Nội ồn ào, náo nhiệt nhưng bên này đã là một không gian đối lập hoàn toàn, không gian của những làng quê Bắc Bộ. Con người cũng giản dị, mộc mạc và chân tình như chính những ngôi nhà, những con đường nơi đây.

Đối với người họa sỹ nói riêng và những người nghệ sỹ nói chung, không gian sống là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và cảm hứng sáng tạo. Đây cũng chính là nơi hợp lưu của hai con sông Hồng và sông Đuống, nó có hình như ngòi bút nên chúng tôi thường nói vui rằng có lẽ vì vậy mà hợp với những người cầm cọ chăng?”.

“Đất lành chim đậu”

Trần Phi Trường dẫn chúng tôi đi sâu vào trong xóm. Con đường làng lát bê tông sạch sẽ, một bên là những căn nhà ngói đơn sơ với mảnh vườn rộng thênh thang, một bên là ruộng ngô xanh rờn. Quả thật ở Hà Nội rất khó có thể tìm được một nơi thanh bình như thế này.

Dừng chân trước một ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ với khoảng sân đã lác đác rêu xanh, một vườn chuối um tùm, nhà của họa sỹ Phạm Hồng Quang, sinh năm 1975, quê ở Hải Dương, chuyên tranh khắc gỗ, kim loại và sơn dầu. Những bức tranh của Hồng Quang chỉ thoạt nhìn đã thấy sự kiên trì, tỉ mỉ của một người làm nghệ thuật nghiêm túc. Mặc dù gia đình ở nội thành nhưng mỗi sáng Quang thích được phóng xe sang đây, bắt đầu một ngày làm việc mới. Đến chiều lại trở về.

Căn nhà của họa sĩ Hồng Quang rộng 90m2, có sân vườn, mà giá thuê chỉ 300.000/tháng. Nơi đây xa thành phố nên sinh viên và người lao động không thích thuê. Song với người họa sỹ thì dường như họ đã tìm được một không gian lý tưởng riêng, giúp mình tách khỏi cuộc sống đời thường, có nhiều thời gian để dành cho nghệ thuật hơn. Chả thế mà một cô họa sỹ trẻ vừa đến Bắc Cầu đã nằng nặc muốn thuê căn nhà ở ngoài bãi, chỗ xung quanh chẳng có bóng ngôi nhà nào liền kề.

Cách nhà của họa sỹ Hồng Quang không xa là căn nhà của họa sỹ Lê Huy Hoàng (SN 1967) và Bùi Trọng Dư (SN 1976). Sắp tới Huy Hoàng sẽ có cuộc triển lóm tranh cùng một hoạ sĩ Hà Lan, dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng tháng 10/2007.
Xom hoi hoa giua long Ha Noi

Họa sĩ Lê Huy Hoàng bên giá vẽ.

Huy Hoàng bảo: “Một danh họa nổi tiếng thế giới từng nói rằng, tôi không vẽ ba ngày cũng không ai biết nhưng nếu tôi không vẽ một ngày thì tôi biết là mình không vẽ. Do đó người họa sỹ cần phải làm việc liên tục, muốn như thế cần có một không gian tách biệt.

"Trước đây tôi sống ở một nơi khác nhưng những vướng bận đời thường, sự ồn ào, náo nhiệt khiến mình không thể tập trung làm việc. Chỉ ở đây mình mới thực sự có khoảng trời riêng để cầm cọ. Còn lại là niềm đam mê, điều này thì dường như là máu, là hơi thở. Cách đây không lâu, có một nữ họa sỹ Italia đến nhà tôi chơi và cứ tha thiết xin được ở lại vì quá thích không gian và phong cảnh nơi đây”.

Chếch về phía bờ sông Đuống, vẫn trên địa phận làng Bắc Cầu là xưởng vẽ của họa sỹ - nữ Phật tử Ngô Thúy (SN 1974). Ngay sau nhà chị là xưởng vẽ của họa sỹ thư pháp Lê Quốc Việt (SN 1972).

Bên cạnh đó, tại đây còn có xưởng vẽ của vợ chồng họa sỹ Nguyễn Văn Cường - Đinh Thắm Poong, Vũ Dân Tân, Lê Hồng Thái… Sống giữa cộng đồng họa sĩ như vậy, ngoài lúc làm việc, họ còn có điều kiện để nói chuyện về hội họa, nghệ thuật. “Điều này rất quan trọng, khi những người bạn có không gian để nhận xét, góp ý cho đứa con tinh thần của mình hoàn thiện hơn”.
Xom hoi hoa giua long Ha Noi

Những tác phẩm ra đời từ xóm hội họa.

Mong rằng, giống như xóm nghệ sỹ Montmatre của Paris, mảnh đất này sẽ giúp cho các tài năng hội họa có thời gian và không gian để phát huy khả năng sáng tạo của mình. Và từ đây sẽ có nhiều bức họa nổi tiếng ra đời.
Xom hoi hoa giua long Ha Noi

Mai Hà
Việt Báo (Theo_VTC)

Tìm hiểu: Hà Nội, Trần Phi Trường, Hồng Quang, Bắc Cầu, Làng Bắc Cầu, hội họa, không gian, làm việc, họa sĩ, Sông Đuống, đam mê, sỹ, nơi, người, sống

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

LUẬN BÀN

Entry for November 10, 2008 Một chiều- nhưng lề trái!
LÙM XÙM RỐI RẮM
Ngày xưa, báo chí đâu có nhiều như bây giờ? Cả nước chỉ có không quá mươi tờ Nhật trình, một số Nguyệt San, Bán Nguyệt San, một số Tạp San, Phụ Bản ra định kỳ vào một ngày trong tuần…do nhà nước chủ trương cũng có mà do tư nhân xuất bản cũng có. Không nhiều lắm, nhưng vẫn cảm thấy phong phú vì nội dung và nghệ thuật thể hiện không giống nhau. Ngay cả đưa tin cũng mang theo phong cách của từng phóng viên, từng báo. Tôn chỉ, mục đích rõ ràng tiện cho độc giả chọn lựa.
Nền báo chí Cách Mạng của ta hiện nay càng phong phú, nếu liệt kê chỉ riêng tên các báo viết, báo hình, báo tiếng, báo giấy, báo điện tử v.v… thì nguyên cái tên báo, đã tốn vài nghìn từ, đọc hoài, mỏi mắt mà vẫn không hết. Ấy thế nhưng, phong phú đấy mà vẫn không phong phú vì báo chí hiện nay là báo chí “độc quyền” . Độc quyền về thông tin, độc quyền về bình luận, độc quyền về xuất bản. Cái “Lề bên phải” chẳng qua cũng là một thứ độc quyền, không cho “nói khác” thì chỉ còn nước “phụ họa”, thậm chí phải sao chép nghiêm cẩn, chứ không được phép “phóng tác”. Vì vậy nên không thể có cái riêng, mà cái chung, cái giống nhau thì ắt nhàm chán. Báo chí là công cụ tuyên truyền mà lại bị phản tuyên truyền chính vì đã gây sự nhàm chán cho độc giả. Nói hay đến đâu mà người ta không thèm ngó tới thì cũng tổn hơi, phí nước bọt.
Tình trạng này là vì không có cạnh tranh, không có đối lập. Mà thực ra Cách Mạng không cần sự đối lập, e ngại sự đối lập. Cái nguyên lý cơ bản “Mâu thuẫn thúc đẩy phát triển” bị xếp xó từ bao giờ không biết? Có Cách mạng thì cũng nên có “Phản Cách mạng” (phản biện), để lâu lâu nó đánh thức anh dậy, đừng ngủ vùi, ngủ quên trong thành tích. Nó vạch ra cho anh những chỗ chưa thấu tình đạt lý, những mặt yếu kém, để mà lo tìm phương kế khắc phục. Đâu có phải cứ “phản” là chống phá, là tiêu cực?
Ví dụ như cái anh “trời” vừa qua anh ấy “phản” cho cái anh Hà Nội một phát, mới lòi ra cái chuyện kinh phí đầu tư cho cấp thoát nước, nó trôi từ cống ngầm vào miệng những anh nào rồi? Giá như chỉ mưa vài chục milimét hay thậm chí 200mm thì cũng chưa lòi ra đâu? Liếm láp ở những chỗ kín là khó lộ nhất. Chẳng may nó đổ cho 700mm nước, mới trồi lên những chỗ lở loét đã tưởng dấu được, miếng bở đã tưởng nuốt trôi. Nhưng rồi cũng lại lấp liếm là được dịp tốt “tổng duyệt” cho tương lai Hà Nội mở rộng. Chỉ có ở ta mới có thể đứng đó nói phét được, chứ ở nước khác thì đã trôi đi từ lâu rồi.
Giở một tờ báo bất kỳ nào bây giờ cũng thấy hai nội dung chính. Nội dung thứ nhất là phụ họa. Tin tức, đường lối, chính sách v.v… đều nói theo một công thức. Hễ nói đến Tổng Bí thư, đến Chủ tịch Nước, đến Thủ tướng đi thăm đâu là y như rằng nếu không có “Diễn văn quan trọng” thì có “chỉ đạo sâu sắc” đã “vạch ra” cái này cái nọ… (Thậm chí khi đưa tin ở những hội nghị quốc tế mà có đại biểu Việt Nam, thì các cây bút sắc sảo vẫn thản nhiên dùng những từ quen miệng là đại biểu VN đã “chỉ” ra cho Hội nghị v.v… Thật là thiếu khiêm tốn, thậm chí là xược nữa). Các anh chị lãnh đạo khác cũng thế, rứt khoát cấp trên là phải làm thày cấp dưới rồi. Quên mất rằng những điều người ta đúc kết ra cho anh “diễn” là chính từ thực tiễn mà ra, lấy cái người ta đã làm rồi dậy lại người ta thì thật hài hước.
Làm thày thì cứ giảng, còn trò có nghe hay không lại là chuyện khác, nhất là cái đám dân ngày càng cứng cổ vì kiến thức của họ không thể bưng bít mãi được.
Cái nội dung thứ hai trong một tờ báo là độc quyền quảng cáo. Quá nhiều quảng cáo, tràn lan quảng cáo, dù đã in chữ nhỏ li ti thì vẫn chiếm rất nhiều trang, 2/3 tờ báo, thậm chí hơn nữa. Chuyện này thời kỳ đầu có rất ít, thậm chí trên một số tờ báo không được đăng. Xem ra cái này cũng là học của báo chí Tư bản, bắc một nhịp cầu tiến tới Tư bản Chủ nghĩa. Mà quảng cáo là cái anh ăn nói bừa phứa nhất, không coi ai ra gì? Cậy có tiền, có quyền muốn nói gì thì nói. Không nghe thì bịt tai lại, không nhìn thì nhắm mắt lại. Cái anh VTV phát một cái phim thời lượng chỉ chừng 20 đến 25 phút thì quảng cáo chặn đầu, quảng cáo xen giữa 2 lần, quảng cáo khóa đuôi, mỗi lần từ 5, 7 phút, thậm chí 10 phút thì “quý khán giả” còn ra cái giống gì nữa. Muốn nói các anh VTV là lạm quyền, là tham nhũng vào sóng của Đài, nhưng biết nói đâu? Với những tờ báo giấy thì cũng dễ chấp nhận, không đọc thì để gói, lâu lâu vào dịp giỗ tết trải ra sàn làm khăn bàn cũng tốt. Còn một đề tài nữa là gần đây, để câu khách một số tờ báo úp mở giới thiệu về những “kỹ xảo chăn gối”, những tai nạn mà người đọc cứ muốn đọc đi đọc lại vì người viết đã khêu gợi trắng trợn về những chi tiết kích dục v.v… coi chừng tha hóa lúc nào không biết.
Trong những nội dung cấm kỵ mà người làm báo cần nhớ làm lòng là tuyệt đối không được để lộ bí mật. Bí mật nhà nước, bí mật quốc phòng, bí mật cá nhân lãnh đạo, nhất là bí mật của Đảng. Kỷ luật về giữ bí mật đã được bổ xung dần vào Hiến Pháp đã được Quốc Hội lần lượt thông qua. Đã trở nên kín kẽ, không để ai lọt lưới. Chẳng thế mà cái vụ xử mấy anh nhà báo “làm lộ bí mật” đã diễn ra đúng bài bản, đúng pháp luật không chê vào đâu được. Nếu hiểu được cái bí mật của Đảng nó quan trọng như thế nào thì mới hiểu tại sao người ta phải ra sức bảo vệ?
Bí mật là một nguyên tắc, là vũ khí quan trọng của chuyên chính vô sản, của cách cai trị cộng sản. Vì vậy, khi Gorbachev chủ trương công khai minh bạch (glaznost) thì chỉ vài năm sau là Liên Xô tan rã. Thiếu đi vũ khí bí mật, họ mất đi sức mạnh cai trị dân.
Những điều công khai ở Quốc Hội ở Đại Hội Đảng đều đã được bí mật trù bị trước ở màn một. Màn hai tranh luận cãi cọ đến đâu thì cũng không thay đổi được cái kết cục của màn một. Ngay cả lá phiếu và tỷ lệ cũng đã được định trước. Có câu chuyện hài hước về việc ông Nguyễn Đình Tứ được bí mật cơ cấu vào Bộ Chính trị từ khi còn sống, nhưng đến khi ra công khai thì ông đã ra người thiên cổ, nhưng người ta đã quên mà công bố “một cái thây ma” trúng cử vào Bộ Chính Trị.
Sự bí mật không còn là nguyên tắc nữa mà đã biến dạng thành một tệ nạn bao che dấu diếm. Nên những người đang bao che dấu diếm cho vấn đề gì, cho ai đó? Hoặc những vấn đề đang được dấu diếm, những người đang dược bao che rất sợ lòi cái đuôi sự thật ra, tức là “lộ bí mật”. Những vấn đề bí mật hàng đầu là Ngân sách các loại, là tiền vay nợ nước ngoài đã sử dụng đúng sai ra sao? Thất thoát thế nào? Những chuyến lãnh đạo “đi đêm” với nước ngoài, và các điều khuất tất nằm trong bộ máy tổ chức từ trung ương đến địa phương, nếu để lộ ra những điều không thể công khai với dân, thì Việt Nam lại sẽ giống Liên Xô không hơn không kém.
Vì vậy đấu tranh đòi công khai minh bạch, là gốc của mọi vấn đề ở xã hội Việt Nam hiện nay.
Một kiểu “trí trá” của báo chí thời nay là trò “ngụy đối chứng” Ví như một tệ nạn vừa xảy ra trong nước, thì đưa ngay lên một cái tệ nạn ghê gớm hơn ở một nước nào đó. Cơn bão vừa xảy ra ở ta thì có ngay tin về một cơn bão lớn gấp bội ở Florida USA để người dân thấy mình còn may mắn hơn. Vụ sập hầm ở cái mỏ nào đó, thì “Ở Trung Quốc có vụ sập còn tai hại hơn nhiều” Việt nam thiếu lương thực, thì đưa ra dân một nước đang đói bò lê bò càng v.v… Khổ thân, cái mặt cứ trơ ra mà cứ vẫn tưởng mình cao kiền?
Vấn đề tự do báo chí hiện nay đã ở trạng thái không thể bàn cãi. Một Website, một diễn đàn, một trang blog trên mạng có thể là một tờ báo tư nhân, nhưng cũng có thể chỉ là một bài trong cộng đồng báo chí tự do, và đã phát triển lên nhiều triệu địa chỉ. Xu thế người người tự do phát biểu, tự do xuất bản trên Internet hiện nay là xu thế không thể ngăn chặn, không thể đảo ngược. Bởi vậy những nhà quản lý chắc chắn có ngoan cố, có phũ phàng đến đâu rồi cũng bất lực. Một con ngựa thì còn níu kéo được, chứ cả bầy ngựa, cả đoàn xe nó cứ lao đi thì việc lôi lại là một việc làm “khùng”. Nước cứ dâng lên, cứ tràn vào nhà như Hà Nội vừa qua, không che chắn được, không tát kịp. Vậy nên chăng? hãy tuyên bố một câu “Tha cho làm phước”, có khi còn được “tiếng”.
Cuối cùng tôi muốn cải chính một điều, ai đó nói báo chí cách mạng của ta phong phú có tới 5, 6 trăm tờ? Tôi không cho là như thế, mà chỉ muốn nói rằng: báo chí cách mạng ở ta chỉ có một tờ, độc một tờ mà thôi.
Thích Ảo Diệu ở Annam